Trúc mọc trong lòng — Tô Đông Pha

Trúc mọc trong lòng

Tô Đông Pha [1]


Nguyễn Đình Đăng dịch từ Lin Yutang, The Chinese Theory of Art, có tham khảo bản gốc Trung văn của Tô Đông Pha (苏轼 文与可画筼筜谷偃竹记: Tô Thức - Truyện Văn Dự Khả vẽ trúc cong ở Vân Dương Cốc).


Khi măng trúc nhú lên, nó chỉ dài một thốn [2], nhưng trong nó đã tiềm ẩn các đốt và lá. Toàn bộ thiên nhiên trưởng thành như vậy, cho dù đó là những con ve hay con rắn, hay những cây tre cao vọt tới mười tầm [3]. Ngày nay các hoạ sỹ dựng hình cây trúc từng đốt một, vẽ từng chiếc lá. Trúc ở đâu? Vì thế, khi vẽ trúc phải có trúc mọc trong lòng đã [4]; lúc vẽ, tập trung để nhìn thấy cái mình muốn vẽ. Ngay lập tức dõi theo ý tưởng, cầm lấy bút để vẽ theo hình tượng vừa nhìn thấy, như con chim ưng lao xuống con thỏ. Chần chừ một chút là mất. Đó là điều Dự Khả [5] đã dạy ta. Ta hiểu ý ông, nhưng không sao làm theo được. Đó là bởi tay không làm được như ý muốn do thiếu luyện tập. Có những thứ mang máng quen, tưởng biết rồi, nhưng khi muốn vẽ thì không nổi. Điều này đúng không riêng gì với trúc. Em trai ta, Tô Triệt (蘇轍) không biết vẽ; cậu ấy chỉ hiểu ý tưởng. Ta không chỉ hiểu ý tưởng mà còn học được cả kỹ thuật nữa.




Dự Khả, Mặc trúc (Trúc vẽ bằng mực) (t.k. XI), mực nho trên lụa, 131.6 x 105.4 cm. Bảo tàng Cố Cung Đài Loan.


Khi Dự Khả bắt đầu vẽ trúc, ông không hề tỏ ra tự phụ, nhưng rồi người khắp nơi mang lụa kéo đến bu trước cửa nhà ông xin tranh. Dự Khả rất khó chịu, vứt lụa xuống đất, giận dữ nói: “Ta sẽ cắt hết lụa ra làm tất chân.” Khi Dự Khả trở về Dương Châu (nay là Dương Huyền ở Thiểm Tây) còn ta ở Tô Châu, ông viết thư cho ta: “Dạo này tôi có nói với các học giả rằng trường phái vẽ trúc của tôi đã chuyển về Tô Châu rồi, và các sưu tập gia phải về đó mà tìm. Bây giờ tôi chắc tất cả nguyên liệu làm tất chân sẽ đổ về nhà ông.” Ông viết thêm hai dòng tái bút rằng ông muốn vẽ một cây trúc cao vạn thước trên một tấm lụa Nga Khê (鹅溪). Ta nói với ông rằng để vẽ cây trúc như thế thì phải cần hai trăm năm mươi thất lụa [6], và ta biết ông đã chán vẽ rồi mà chỉ muốn lấy lụa thôi. Dự Khả không đáp lại được mà chỉ nói rằng ta nói vớ vẩn và dù sao thì cũng chẳng có trúc nào cao vạn thước cả. Ta trả lời ông bằng hai dòng từ một bài thơ: 


“Thế gian diệc hữu thiên tầm trúc,

Nguyệt lạc đình không ảnh hứa trường.”


(世间亦有千寻竹,

月落庭空影許長)


(Tạm dịch:

“Thế gian có trúc cao vạn thước:

Trăng rọi trên sân đổ bóng dài.”)


(Nghĩa là: “Có trúc cao vạn thước nếu nhìn vào bóng nó dưới ánh trăng in trên mặt đất.”)


Dự Khả cười và nói: “Họ Tô bao giờ cãi cũng giỏi, nhưng nếu có hai trăm năm mươi thước lụa, tôi sẽ mua một trang trại ở quê để dưỡng già.” Ông tặng ta bức tranh này vẽ trúc ở Vân Dương Cốc (篔簹谷) và nói với ta rằng chúng chỉ cao vài thước, nhưng trông như cả vạn thước...


Dự Khả qua đời ngày 20 tháng Giêng năm 1079. Mùng 7 tháng Bảy năm đó ta mang bộ sưu tập tranh của mình ở Hồ Châu (湖州) ra phơi. Bỗng dưng thấy lại bức tranh này, ta bật khóc.


Dịch xong ngày Chủ Nhật 1. 12. 2019.

__________

Chú giải của người dịch:

[1] Tô Thức (蘇軾), bút danh Đông Pha (東坡) (1036 - 1101) - hoạ sỹ, văn sỹ, thi sỹ và chính trị gia đời Tống, được coi là một trong những nhân vật hoàn hảo nhất trong văn học cổ điển Trung Quốc.

[2] 1 thốn () bằng 33.33 mm.

[3] 1 tầm () bằng 8 xích (), hay 8 thước Trung Quốc. Một thước bằng 10 thốn, tức 33.33 cm. Như vậy 10 tầm bằng 80 thước, tức 26.7 m.

[4] Câu “Trúc mọc trong lòng” (胸有成竹: hung hữu thành trúc) nay đã trở thành một thành ngữ, có nghĩa phải làm chủ hoàn toàn một tình huống, hay có kế hoạch sẵn trong đầu để đối mặt với khủng hoảng.

[5] Văn Đồng (文同), bút danh Dự Khả (與可) (1019 - 1079) - hoạ sỹ Bắc Tống, nổi danh vì vẽ trúc, một trong những điển hình của văn nhân họa (文人画) hay sỹ nhân hoạ (士人画), tức hội hoạ của các học giả, lý tưởng hóa tính tự phát và vẽ không cần tiền thù lao. Văn Dự Khả và Tô Đông Pha là hai anh em họ bên ngoại.

[6] 1 thất () bằng 4 trượng , tức 40 thước (13.3 m).

____________

© Nguyễn Đình Đăng, 2019 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ nguyên văn và miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép, hiệu đính lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang blog, thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.


Nguồn: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3180960495496162


https://m.facebook.com/nt/screen/?params=%7B%22note_id%22%3A3668107976546249%7D&path=%2Fnotes%2Fnote%2F&_rdr

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tiểu Luận về Đọc Sách

Dịch từ bản dịch

Trà Đạo — Okakura Kakuzo — Bảo Sơn dịch