Trump và những người ‘tỉnh giấc’ giống nhau hơn là họ tưởng — George F. Will



Trump và những người ‘tỉnh giấc’ (‘woke’) phê phán ông ta giống nhau hơn là họ tưởng


George F. Will

Võ Tấn Phát dịch


Việc giảo nghiệm nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump có thể được tiến hành từ một ví dụ ban đầu trong số những câu nói đáng nhớ của ông. Vào ngày thứ 13 của nhiệm kỳ tổng thống, ngày 1 tháng 2 năm 2017, ngày đầu tiên của Tháng Lịch sử Đen, ông nói: “Frederick Douglass là một ví dụ về một người đã làm một việc đáng kinh ngạc và ngày càng được thừa nhận, tôi thấy vậy đó”.


Món gỏi từ ngữ của ông thú vị không phải vì nó tiết lộ sự dốt nát sơ đẳng về nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi, người đã qua đời năm 1895. Nó cũng không đáng chú ý vì sự dốt nát về sự dốt nát của ông. Thay vào đó, tuyên bố của ông ta về Douglass đã cho thấy, ngoài sự lười biếng khét tiếng của Trump - đã suy tính trước? chuẩn bị trước? ắt hẳn không thể nào - về sự thờ ơ về sự dốt nát của ông ta.


Điều này giúp ông có khả năng miễn nhiễm với xấu hổ, một khả năng miễn nhiễm chiếm phần quan trọng tạo nên sức hút chính trị của ông đối với hàng triệu người Mỹ bị mê hoặc bởi sức hút kỳ lạ nhưng không thể phủ nhận của sự quên lãng hiện thực một cách rất dễ dàng của Trump. Khoác bộ áo giáp thờ ơ vô tâm với thông tin, cái cách ông ta thể hiện thái độ khinh bỉ sự thật một cách rất tự mãn đã gây ấn tượng mạnh vào những người ủng hộ, dù không hẳn là sai, như là một loại sức mạnh hiếm có. Nó cũng khiến ông ta giống hệt như nhiều kẻ có văn hoá vốn khinh thường ông ta, hơn là ông ta hoặc họ nhận ra.


Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng phun nhả thuyết âm mưu Obama không sinh ở Mỹ và kết thúc sự nghiệp - ông sẽ không trở lại; giống như tạp kỹ, ông ta là trò giải trí của ngày hôm qua - cứ lải nhải về một âm mưu gian lận bầu cử rộng lớn đến mức liên quan đến hàng quân đoàn ở nhiều tiểu bang, và xảo quyệt đến mức không để lại bằng chứng nào cả. Khi Trump lướt qua bề mặt của đời sống công cộng, nhiều người chỉ trích ông ta, đã quá bận rộn tận hưởng sự ưu việt của họ so với ông ta, để nhận ra mối quan hệ tinh thần của họ với ông.


Họ một cách có ý thức, và ông ta bằng sự thẩm thấu văn hóa, là những người tham gia vào quá trình từ chối lý trí của hậu hiện đại. Ông và họ là những người cộng tác trong việc bác bỏ mạnh mẽ thời kỳ Khai sáng đã sản sinh ra chủ nghĩa tự do cổ điển và nền cộng hòa này.


Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại nói, như Nietzsche, rằng không có sự thật nào, chỉ có những diễn giải - những “tường thuật” khác nhau về thực tại. Như Andrew Sullivan viết trong Substack, để được “tỉnh giấc” (woke) là phải tỉnh táo trước điều này: Tất cả những tuyên bố về tính vô tư, tính khách quan và tính phổ quát đều giả tạo. Vì vậy, lý luận là suy đoán và nỗ lực thuyết phục là vô nghĩa. Do đó xã hội là một đấu trường của ý chí, nơi mọi bất đồng đều là tranh giành quyền lực giữa các nhóm bản sắc. Khái niệm về cá nhân biến mất khi bản sắc trở nên linh hoạt, cái bản sắc đến từ tư cách thành viên nhóm. Im lặng là bạo lực; những gì được nói ra là bắt buộc và phải phù hợp với tâm lý của người nghe. Chào mừng bạn đến học đường.


Trong một thế giới được hiểu như vậy, cuộc sống là một cuộc đấu tranh tổng-bằng-không toàn diện. Adam Garfinkle đã viết, chủ nghĩa Hậu hiện đại bác bỏ niềm tin vào một trật tự xã hội tích cực (tổng-dương), trong đó con người, là sinh vật vừa cạnh tranh và vừa hợp tác, có thể thịnh vượng mà không làm cho người khác nghèo hơn. Do đó, Khai sáng thì tin, còn Trump thì không hề tin, vào thương mại tự do. Chủ nghĩa hậu hiện đại là sự hồi sinh không tên của một tâm lý tiền hiện đại: trật tự xã hội là một xung đột triền miên, không tin nhau và chỉ bị hạn chế bởi chủ nghĩa độc tài của nhóm thống trị.


Trong cuốn “The Darkening Mind”, viết cho American Purpose, Garfinkle nói rằng “chúng ta nhìn càng xa sang phía tả hoặc hữu, chúng ta càng thấy sự xói mòn của khát vọng Khai sáng trong việc thể chế hóa các mối quan hệ tích cực (tổng-dương). Khát vọng này, vốn mang lại phẩm giá cho nền chính trị hiện đại, đã tạo cơ sở cho chủ nghĩa tư bản - một trật tự tự phát, đồng thuận của các cá nhân tự do hợp tác.


Trong tư duy tổng-bằng-không, Garfinkle nói, “sự đồng thuận của kẻ bị trị” là “niềm tin rỗng tuếch” bởi vì tính hợp pháp chỉ gắn liền với bất kỳ nhóm nào chiếm thế thượng phong. Và như văn hóa và chính trị Mỹ ngày càng bộc lộ, “trong tâm lý tổng bằng không, không có không gian trung lập nào có thể tồn tại trong một môi trường xung đột toàn diện”.


Như Garfinkle nói, chính trị của chủ nghĩa hậu hiện đại là sự kết tụ của chủ nghĩa Mác được hâm nóng lại (chỉ có xung đột là có thật, và phổ biến ở khắp nơi) và thần học mật mã, bao gồm cả tội tổ tông đã được thế tục hóa (của quốc gia: xem Dự án 1619 của Thời báo New York) và tinh thần tử đạo Thiên chúa giáo được tái chế trong các than thở đua tranh về vị thế nạn nhân của nhiều nhóm khác nhau. Càng ngày, các chương trình giải trí trên thị trường đại chúng càng có các nhân vật  như hoạt hình với ngôn từ của lứa tuổi thanh thiếu niên, vì như Garfinkle nói, “các cốt chuyện cần phải đơn giản”: Đối với những tâm trí chìm ngập trong lối phi-tư-duy tổng-bằng-không, những câu chuyện đơn giản kiểu địch-ta thì “được đón nhận tốt hơn là những bức chân dung tích cực (tổng-dương), đa dạng hơn về các mối quan hệ của con người. " Và, Garfinkle đã lập luận một cách hợp lý rằng, “bản giao hưởng của những tiếng gào thét tổng-bằng-không giữa các thái cực hữu và tả,” được khuếch đại bởi “phương tiện truyền thông thương mại bắt mắt dễ tiêu hoá”, đã truyền bá tư duy tổng bằng không trên toàn quốc.


Khi tiếng gầm gừ kéo dài 4 năm của Trump kết thúc, phải thừa nhận rằng vị tổng thống kém trí tuệ nhất có một cái tâm lý - chẳng hạn như sự thẩm thấu những thời trang trí thức vào những ngăn chứa trống rỗng - giống như thứ tâm trí đã bị đóng chặt cửa của các đầu óc hàn lâm. Đối với những người mà lý thuyết xã hội và chính trị bị nhiễm chủ nghĩa hậu hiện đại, Trump giống như Chúa - không phải vì lòng tốt hoàn hảo và lòng thương xót vô hạn, mà bởi vì ông là lời giải cho mọi thứ. Thực ra, những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại là một phần lý giải về ông ta.


Nguồn: https://www.washingtonpost.com/opinions/trump-and-many-of-his-woke-critics-are-more-alike-than-they-realize



Chú thích của người dịch:


Một số thuật ngữ:


woke: tỉnh giấc - thuật ngữ chính trị xuất phát từ Mỹ để chỉ phong trào chính trị thiên tả kêu gọi công lý xã hội và công lý cho các sắc dân thiểu số


zero-sum: tổng-bằng-không - từ lý thuyết trò chơi, là lối suy nghĩ rằng người này được lợi thì người khác phải bị thiệt


positive-sum: tổng-dương - lối suy nghĩ rằng xã hội có thể điều chỉnh để mọi người cùng có lợi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tiểu Luận về Đọc Sách

Dịch từ bản dịch

Trà Đạo — Okakura Kakuzo — Bảo Sơn dịch