Rừng Mắm Văn Nghệ — Võ Đình



Mấy ngày cuối năm trước (2023) tụi mình triển lãm đá ở Huntington Library, có dịp xuống khu Little Saigon, lang thang một nhà sách rồi tình cờ tìm được cuốn Rừng Mắm Văn Nghệ của Võ Đình. Sách đã tuyệt bản, khó tìm, nên dù hơi nhàu nát, mình vẫn mua về. Võ Đình là một nhà văn mình yêu thích. Xin trích Lời tác giả trong sách để bạn bè cùng thưởng thức.

Lời tác giả

Rừng Mắm thường được coi là truyện ngắn hay nhất của Bình Nguyên Lộc; cũng là một tuyệt tác của văn xuôi miền Nam Việt Nam, thời kỳ 1954-1975. Trong Rừng Mắm, có thằng nhỏ một hôm theo ông nội nó bơi thuyền vô chốn rừng nước mịt mùng. Sau đây là một đoạn chuyện trò của hai ông con:


- Cây gì mà lạ vậy, ông nội? Trổ bông ngay dưới gốc?

- Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây này là cây mắm. Đây là rừng mắm đây.

- Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ?

- Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được.

- Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy?

- Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng, nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.

Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:

- Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau.


Xin xá hương linh ông Bình Nguyên Lộc một xá: Tôi đã lấy tên truyện của ông, thêm vào hai chữ văn nghệ, dùng làm nhan đề cho một bài viết. Thật ra, hai chữ rừng mắm cũng đâu của riêng gì ông Bình Nguyên Lộc, nhưng vì nhờ đọc ông mà một người sinh trưởng ở Huế mới biết đến cây mắm. Cách đây mấy năm, về thăm quê, tôi có lặn lội xuống tận Cà Mau. Nhìn thấy cây mắm, tôi bồi hồi thương cảm nhà văn tiền bối đã qua đời ở đất khách.

…..

Sách này gồm có mười tám bài viết về văn học nghệ thuật. Nhớ ba năm trước nhà xuất bản Văn Nghệ in cuốn Lầu Xép của tôi: Những bài trong đó được gọi hoặc là chuyện hoặc là truyện. Dĩ nhiên, những bài viết trong sách này có thể mang chung một cái tên văn vẻ hơn. Nhưng nghĩ cho cùng, đây là những bài viết về chuyện đời, chuyện người, chuyện viết, chuyện vẽ... Thôi thì cứ nôm na cho tiện. Mười tám bài viết: Mười tám chuyện. Chuyện thôi, không có truyện.

Cuối sách là phần "phụ lục": Một buổi chuyện trò với nhà phê bình Thụy Khuê ở Paris, và một buổi khác với nhà thơ Crystal Brown ở Maryland.

Cần một họa phẩm để cho lên bìa Rừng Mắm Văn Nghệ, tác giả đã chọn một bức sơn dầu do chính mình vẽ bên Pháp, khi còn ở tuổi hai mươi (Mãi đến 1992, hơn ba mươi năm sau, tôi mới được thấy cây mắm lần đầu tiên). Bức tranh cũ được chọn vì dáng dấp của Tùng: Thân cây thẳng, cành cây cứng, lá xanh quanh năm. Xưa nay Tùng vẫn được coi là cây quân tử. Còn Mắm, tuy không hiên ngang như Tùng, nhưng ai đã đọc Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc cũng chịu rằng đó là một thứ cây trượng phu.


VÕ ĐÌNH

Đông Nam Hoa Kỳ

Mùa Xuân năm 2000

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tiểu Luận về Đọc Sách

Dịch từ bản dịch

Trà Đạo — Okakura Kakuzo — Bảo Sơn dịch