Cách mạng Văn hóa đã khiến xã hội chống lại chính nó như thế nào — Tania Branigan


Cách mạng Văn hóa đã khiến xã hội chống lại chính nó như thế nào

Tania Branigan

Võ Tấn Phát dịch


“Đây không phải là kết thúc của một sự kiện, mà chỉ là khởi đầu. Dối trá viết bằng mực không che giấu nổi sự thật viết bằng máu. Nợ máu thì phải trả: để càng lâu, nợ càng chồng chất.”

— Lỗ Tấn


*


Tôi biết đàn áp chính trị ở Trung Quốc đã làm câm lặng cuộc thảo luận về Cách mạng Văn hóa. Chỉ dần dần tôi mới nhận ra chấn thương cá nhân đóng vai trò lớn như thế nào trong chứng mất trí nhớ quốc gia. Tôi đã nói chuyện với các cựu Hồng vệ binh hối tiếc về sự tàn bạo của họ; một nhà soạn nhạc thoát chết trong gang tấc; Zhang Hongbing (Trương Hồng Binh), khi còn là một thiếu niên, đã tố cáo mẹ mình, làm bà bị xử tử.


Điều khiến những người được tôi phỏng vấn thực sự khác thường không phải là những gì họ đã làm, hay những gì đã xảy ra với họ, mà là việc họ sẵn lòng nói về điều đó: nhiều người không thảo luận về thời đó ngay cả với gia đình họ. Tuy nhiên, bất chấp, hoặc có lẽ chính vì sự im lặng này, tổn thương vẫn tiếp tục được truyền qua nhiều thế hệ.


Không lâu sau chuyến viếng thăm Zhang Hongbing, tôi gặp và uống cà phê với một tiểu thuyết gia. Tôi nghe nói cô quan tâm đến thời đại đó và những điểm tương đồng của nó với những sự kiện gần đây hơn; chúng tôi đã nói về công việc của cô và nó đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi những gì đã xảy ra nhiều năm trước. Cô nói chút đỉnh về việc cô hiểu Cách mạng Văn hóa như thế nào, và tôi dừng lại để làm rõ. Một số người sử dụng cái tên này chỉ để ám chỉ những năm đầu tiên của bạo lực Hồng vệ binh, trong khi những người khác lại đề cập đến cả thập niên đầy thù hận. Cô tin rằng nó đã kết thúc khi nào?


“Tháng 4 năm ngoái,” cô trả lời. Tôi không chắc liệu cô có hiểu lầm câu hỏi của tôi hay tôi đã hiểu lầm câu trả lời của cô. Thấy tôi bối rối, cô giải thích: “Chúng tôi không thoát được cho đến khi cha tôi qua đời vào tháng 4 năm ngoái, vẫn còn tranh cãi với Hồng vệ binh. Họ không cho ông ngủ suốt mười bảy ngày – đầu óc ông trở nên hỗn loạn. Vì thế suy nghĩ của ông ấy dừng lại thời Cách mạng Văn hóa.”


Chấn thương không chết cùng với nạn nhân của nó: nó đã tự tái tạo ở con cháu của họ.


Phản ứng của cô đã sốc tôi. Tôi tưởng rằng tôi đã biết, từ lần gặp đầu tiên với Yu Xiangzhen, rằng quá khứ đã song hành với tất cả những người sống sót. Bạn bè chỉ rón rén tìm hiểu những bí mật và căng thẳng trong gia đình, lướt nhanh qua các nguyên do. Tôi cảm nhận được điều đó trong cơn thịnh nộ và sự bất ổn của một số người tôi gặp, cũng như trong ký ức rạn nứt của những người khác: chấn thương đã khoét những lỗ hổng mà quyền lực ắt đã khoan vào ngôn ngữ, ký ức, gia đình. Nhưng thực ra, nó ở khắp mọi nơi, một nỗi đau gặm nhấm người ta và làm họ kiệt sức.


Nó ăn mòn dạ dày, axit, không ngừng, hoặc gây ra những cơn co thắt mạnh đến mức tê liệt. Những cơn đau đầu nhức nhối làm họ rơi nước mắt và giận dữ. Họ nhắm mắt nhưng giấc ngủ không bao giờ đến, hoặc họ trôi đi, ngủ gà ngủ gật và giật mình thức dậy, lạnh lẽo, nóng lạnh. Họ sống trong một thế giới xám xịt của kiệt sức, gầy gò. Họ đã thử cả Tây y và Trung y, và những viên thuốc tìm thấy trên mạng hay được bạn mang đến. Đó không phải là một vết loét. Đó không phải là ung thư hay chứng đau nửa đầu.


Họ lại đến gặp các bác sĩ khám lưỡi, bắt mạch, lấy máu, yêu cầu chụp phim, viết đơn thuốc, chích kim, nhún vai, gọi điện cho các chuyên gia. Cuối cùng, cứ tiếp tục được gửi đi, họ thấy mình đang ở trong một văn phòng khác, bực bội và cảnh giác. Câu trả lời của họ rất ngắn gọn. Đầy nghi ngờ. Những hạt nhỏ của sự thật và phàn nàn, không được nối kết; khó mà liên kết được với nhau. Hầu hết chỉ muốn những viên thuốc.


Con cháu đã đến thăm. Đôi khi cơ thể họ có những bệnh tật giống nhau, những cơn đau nhói, những cơn hôn mê không rõ nguyên nhân. Thỉnh thoảng họ kể về những rắc rối khác, thừa nhận rằng họ căng thẳng, chán nản và lo lắng mà không biết tại sao. Năm ngoái có một học sinh – một chàng trai trẻ có trách nhiệm, hơi trầm tính, nhưng khá thân thiện với các bạn cùng lớp.


Điểm học của anh ta rất cao, hành vi của anh ta rất chuẩn mực, cho đến ngày anh ta đăng một bản mô tả chính xác về việc anh ta muốn giết giáo sư của mình như thế nào: cái cách anh ta thức dậy trong phòng ký túc xá của mình và chộp lấy một con dao sắc bén hung bạo; cách anh ấy bước vào phòng và nhìn thấy gia sư của mình; cách anh ta ném trà đang sôi của ông ta… Nó cứ tiếp tục như thế, và ban lãnh đạo trường đại học, sau khi đọc được, đã yêu cầu nhân viên sức khỏe tâm thần giúp đỡ, họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia, những người này đã tiếp xúc với một nhà phân tâm học.


Không ai có thể giải thích được những lời lẽ đầy hình ảnh bạo lực đó với cậu bé dễ chịu, tầm thường này. Cha mẹ anh yêu thương nhau; họ rất hòa thuận với con trai của họ. Họ vội vã đến trường đại học khi biết tin anh gặp rắc rối và thuê một căn hộ để mẹ anh có thể sống cùng anh trong thời gian anh điều trị. Cha anh gần như im lặng nhưng ủng hộ; nhiều tuần sau, người ta phát hiện ra rằng—trước sự bàng hoàng của gia đình, nhưng không hoàn toàn đối với nhà phân tâm học—rằng ông đã bị trầm cảm nặng trong nhiều năm trời.


Trong suốt cuộc đời của con trai mình, ông đã luôn nhắc nhở mình những bài học giống nhau: Hãy giữ khoảng cách. Hãy cảnh giác. Đừng tin tưởng bất cứ ai. Đừng bao giờ để họ thấy bạn đang tức giận. Ông cứ lập lại thông điệp này trong nhà hết lần này đến lần khác mà không bao giờ nói cho con trai biết lý do. Ông đã chứng kiến cảnh ​​cha mình bị Hồng vệ binh sát hại. Ông đã kìm nén nỗi đau, nỗi sợ hãi và cơn thịnh nộ trong gần nửa thế kỷ, vậy mà nó vẫn phản bội ông và con ông.


Hết gia đình này đến gia đình khác giấu quá khứ của họ. Một số sẽ không tâm sự về nỗi đau khổ của họ ngay cả với những người chồng hoặc người vợ đã chứng kiến ​​điều đó. Những người khác khuyên anh chị em hãy quên đi những sự kiện đã gây tổn thương cho tuổi thơ của họ. Đôi khi, sợ hãi trước những cơn rối loạn tâm thần hoặc lo lắng trước những ám ảnh kỳ lạ, con trai và con gái trưởng thành đã đưa cha mẹ đến gặp thẳng bác sĩ tâm thần.


Nhưng thường thì bệnh nhân đến vì những căn bệnh thể xác không thuyên giảm. Họ đã thấy rằng lời nói có những hậu quả không lường được, và sự hài hòa ngoài mặt, dù mong manh đến đâu, cũng không thể bị phá vỡ. Im lặng là an toàn, dù có phải trả giá đắt thế nào đi chăng nữa. Nỗi khốn khổ kéo dài năm mươi năm và kéo dài mãi về sau; ta không thể nhìn thấy kết thúc của nó. Chấn thương sẽ không chết với nạn nhân của nó: nó đã tự tái tạo ở con cái và rồi tới con cháu của họ. Giống như tế bào ung thư, nó không thể trưởng thành mà chỉ tự sinh sản, biến thành bất tử một cách kinh tởm.


*


Rất ít chuyên gia sẵn sàng nói về nghiên cứu của họ về những người sống sót. Một số không công bố gì, số khác làm việc ẩn danh với các đồng nghiệp phương Tây. Cuối cùng, những người đã nói chuyện với tôi đã làm như vậy, trên cơ sở là họ sẽ không bị nêu danh, và trong số đó có vài người quá vòng vèo đến nỗi tôi đã từ bỏ hy vọng tìm thấy câu trả lời sau vài lần gặp. Tôi gặp người đàn ông mà tôi sẽ gọi là Tiến sĩ Yang tại một hội nghị tâm lý trị liệu quốc tế ở Thượng Hải. Người châu Âu mặc đồ vải lanh đắt tiền và đeo kính hàng hiệu: họ rõ ràng là một đẳng cấp riêng, bất chấp sự khác biệt của họ.


Người Trung Quốc ăn mặc như nhân viên ngân hàng, giáo viên thể dục hoặc nghệ sĩ. Họ đã không hợp nhất thành một nghề. Họ gật gù khi nhắc đến Klein hay Lacan - họ đã được đào tạo và sử dụng biệt ngữ. Nhưng khi họ nói, họ kể những câu chuyện và đùa giỡn, đồng thời sử dụng những từ như “tình yêu” và “sự hài lòng” cũng thường xuyên như “cathexis” và “anaclitic”. Họ không hề nao núng và không hề mỉa mai về nỗ lực chữa lành vết thương cho bản thân và những người khác; họ không thấy xấu hổ về sự chân thành, ngay cả khi họ nhận ra những phức tạp trong cảm xúc và mục tiêu của mình.


“Tôi đã thấy người tra tấn người quá đủ rồi. Tôi không muốn như vậy. Tôi muốn mang lại hạnh phúc và niềm vui”, bác sĩ Yang nói. Ông gõ nhẹ điếu thuốc trong gói và mỉm cười: “Đây cũng là kết quả của Cách mạng Văn hóa. Cha mẹ không có thời gian chăm sóc chúng tôi nên chúng tôi đã học những thói hư tật xấu. Đây là một trong những cách khả dĩ để  giảm bớt căng thẳng. Mọi người đều sống trong trạng thái tranh đấu, trong một môi trường rất thù địch. Những bản năng gốc và thú tính đã được kích hoạt.”


Ông hít một hơi, lịch sự quay đầu thổi khói để không bay vào người tôi. Ông là một người chắc nịch, có phong thái dễ dàng trái ngược với chủ đề ông đang bàn: đấu tranh, căm thù, hành quyết. Ông kể về những buổi “được gọi là” tự xưng tội mà ông đã chứng kiến; các buổi tuyên án công khai—hai mươi nghìn người tập trung tại một quảng trường, chờ ủy ban cách mạng tuyên án tử hình. Đánh đập. Các phong trào và chiến dịch chính trị có thể làm bạn sập bẫy bất cứ lúc nào. Không phải bạo lực mà là sự bất ổn đã định nghĩa Cách mạng Văn hóa.


“Tất cả đều tham dự. Tất cả đều lo sợ. Đó là một trò chơi có tổng bằng 0 – và có thể lật ngược bất cứ lúc nào. Nhóm này mới thắng lợi và là ngọn cờ đầu. Nhưng sau đó có thể trở rơi xuống vị thế phản cách mạng—tất cả có thể bị lật đổ. Bọn họ vừa mới là cán bộ và nắm quyền sinh sát, rồi quyền lực biến mất trong một đêm và gia đình họ trải qua một sự đảo lộn hoàn toàn trong đời sống mà họ không bao giờ có thể tưởng tượng được. Dân chúng không thể giữ được đời sống thành đạt, lâu dài và ổn định.”


Trong những thảm họa khác, ranh giới giữa nạn nhân và thủ phạm càng rõ ràng hơn. Khi mục tiêu được xác định không phải bởi chủng tộc hay phong tục mà bởi những gì được cho là có trong trái tim và khối óc; khi điều gì đúng hôm nay lại sai vào ngày mai; khi phương tiện hủy diệt là sự tham gia của đám đông—thì sự chắc chắn, giống như sự vô tội, là không thể có.


Những năm tháng đó mọi người đã chịu đựng như thế nào? Đến lúc đó, một số người đã học được cách chịu đựng sự ngược đãi không thể chịu đựng được. (“Chúng ta sẽ ổn thôi miễn là chúng ta tiếp tục,” Ba Jin (Ba Kim) và vợ ông an ủi nhau. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ không được như vậy). Tuy nhiên, một số người đã cố gắng an ủi bản thân bằng những đức tin và triết học truyền thống, dù chỉ trong bí mật vì những thứ đó cũng bị cấm.


Hài hước, cũng riêng tư. (Truyện cười không phải trò đùa: sự hài hước, phụ thuộc vào ý thức về sự cân đối và điều phi lý, vốn tự bản chất là một sự cự tuyệt với lòng cuồng nhiệt Mao-ít, và trong những trường hợp xấu nhất là một tội đáng tử hình). Tự buộc tội, cho phép mình ảo tưởng về khả năng kiểm soát: họ đã đã làm điều gì đó để mang lại thảm họa này cho chính họ. Và bản thân chứng rối loạn tâm thần là một cách bảo vệ: khi tâm trí không thể chịu đựng được thực tế nữa, tâm trí sẽ vỡ trước khi con người bị nát tan. Những người khác, không bị rối loạn tâm thần, đã tự sát.


“Đặc điểm xác định thứ hai là những gì xảy ra sau đó,” nhà trị liệu tâm lý tiếp tục. Khi Thế Chiến II kết thúc, quân chiếm đóng Nhật Bản đã bị trục xuất – kẻ thù đã biến mất. Hai triệu người chạy sang Đài Loan khi Cộng sản đánh bại Quốc dân đảng. Nhưng sau Cách mạng Văn hóa mọi người phải sống bên nhau như không có chuyện gì xảy ra. Họ vẫn giữ nguyên vị trí: “Ở cùng một đất nước, ở cùng một nơi làm việc và thậm chí trong cùng một gia đình”.


Văn hóa Trung Quốc từ lâu đã tồn tại như một mạng lưới các mối quan hệ. Tôn ti trật tự gia đình vừa được bồi đắp vừa tạo thành một phần trật tự của đế quốc. Làm người là phải làm sợi dây liên kết giữa tổ tiên và con cháu, gắn liền với một hệ thống lớn hơn chạy theo cả chiều dọc theo thời gian và chiều ngang trong xã hội: “Con đường đi từ bản thân đến gia đình, từ gia đình đến nhà nước, và từ nhà nước với toàn thế giới (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ)”, nhà xã hội học Fei Xiaotong viết. Không gì đáng sợ hơn một kẻ xa lạ và không bị ràng buộc với xã hội.


Vào thế kỷ 18, cơn hoảng loạn về việc “đánh cắp linh hồn” lan khắp đất nước, với đám đông tấn công những người bị nghi ngờ là phù thủy, tương tự như cơn cuồng loạn Mao-ít, như nhà sử học Philip Kuhn đã mô tả. Nhưng những nghi ngờ đó chỉ liên quan tới “những kẻ lang thang, những người xa lạ, những kẻ không có nguồn gốc, những kẻ không rõ nguồn gốc và không có mục đích chắc chắn, những người thiếu quan hệ xã hội, những người mất kiềm chế”.


Cách mạng Văn hóa cho thấy có thứ còn đáng sợ hơn cả một kẻ xa lạ: một người thân. Quen biết một người không còn là cốt lõi của tin tưởng mà chỉ là nghi ngờ. Những người xung quanh ta, những người hiểu ta nhất, lại có thể gây nguy hại nhất. Tiến sĩ Yang cho biết: Trong những năm ngay sau cuộc hỗn loạn, “mọi người có thể nói chuyện với những người lạ trên tàu về những gì họ đã thấy nhưng không bao giờ nói với đồng nghiệp của họ”. Và bản thân đạo đức giờ đây đã bị phản bội: vì những điều luật Nho giáo truyền thống (luân thường đạo lý) không có khái niệm đạo đức vượt qua những kiểu quan hệ cụ thể giữa con người, theo Fei Xiaotong. Khi bạn không thể tin tưởng những người bên cạnh mình, niềm tin đã bị phá hủy.


“Sống sót sau cuộc cách mạng là may hay rủi? Ngay cả bây giờ, tôi cũng không thể nói rằng mình biết câu trả lời cho câu hỏi đó,” một nạn nhân đã viết hàng chục năm sau.


Nguồn: https://lithub.com/how-the-cultural-revolution-played-society-against-itself/





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tiểu Luận về Đọc Sách

Dịch từ bản dịch

Trà Đạo — Okakura Kakuzo — Bảo Sơn dịch